Gạo là một trong những loại ngũ cốc phổ biến nhất trên thế giới, được trồng ở mọi châu lục, trừ Nam Cực. Theo thống kê, hiện nay có hơn 40,000 giống gạo khác nhau, được người dân sử dụng như một món ăn chính trong các bữa ăn hàng ngày.
1. Gạo là gì?
Gạo là nguồn sản phẩm thu được từ cây lúa, cũng là một trong những lương thực chính của gần một nửa dân số trên toàn thế giới.
Gạo thường được chế biến thành các món ăn như cơm, cháo hoặc được nghiền thành bột gạo để làm bánh và bún. Sau khi lúa được đem đi xay xát và loại bỏ vỏ trấu sẽ thu được hạt gạo. Các hạt gạo thường có nhiều màu sắc khác nhau, chẳng hạn như màu nâu, đỏ thẫm và phổ biến nhất là màu trắng.
Trong hạt gạo có chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, chất xơ, tinh bột và các hợp chất có lợi cho sức khỏe. Từ xa xưa cho tới ngày nay, gạo đã trở thành “linh hồn” của nhiều nền ẩm thực khác nhau, điển hình là Việt Nam.
2. Phân loại gạo
Gạo thường được phân loại dựa trên màu sắc, hình dáng và kích thước khác nhau, bao gồm 3 dạng chính:
Gạo hạt ngắn (short grain): là loại gạo có hình dạng hơi tròn, khi nấu lên có kết cấu mềm và dính nhất trong tất cả các loại gạo.
Gạo hạt trung bình (medium grain): là loại gạo có hạt tương đối ngắn, sau khi nấu có kết cấu mềm, tuy nhiên không kết dính bằng gạo hạt ngắn.
Gạo hạt dài (long grain): là loại gạo có hạt mỏng hơn, chiều dài gấp bốn lần chiều rộng và chứa ít tinh bột. Khi nấu lên thường có kết cấu bông và tơi.
3. Các loại gạo khác nhau
3.1. Gạo lứt (gạo nguyên cám)
Gạo lứt là loại gạo chỉ xay bỏ lớp vỏ trấu ở bên ngoài và giữ nguyên phần cám- nơi chứa nhiều chất dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng.
Trong gạo lứt có chứa các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm tinh bột, chất xơ, chất đạm, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, vitamin B3 cùng các nguyên tố vi lượng quan trọng khác như canxi, selen, magie hoặc sắt.
Gạo lứt thường có 4 loại chính, bao gồm:
Gạo lứt tẻ: là lúa của gạo trắng được đem đi xay xát, chỉ loại bỏ lớp vỏ trấu và còn nguyên cám.
Gạo lứt nếp: thường được sử dụng để làm nguyên liệu cho món nếp cái hoa vàng- một đặc sản nổi tiếng, mang nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe. Các loại gạo lứt nếp bao gồm gạo nếp ngỗng, gạo nếp than, nếp hương,...
Gạo lứt đen: đây là loại gạo đặc biệt hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị các căn bệnh như ung thư hoặc tim mạch. Nó được coi là “siêu ngũ cốc” vì chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ, vitamin và các hợp chất thực vật, đặc biệt là chứa ít đường.
Gạo lứt đỏ: là lựa chọn phù hợp đối với những người đang thực hiện chế độ ăn kiêng, ăn chay, giảm cân hoặc làm đẹp. Sử dụng gạo lứt đỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày không những cung cấp cho bạn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn đem lại một vóc dáng thon gọn, khỏe đẹp.
3.2. Gạo trắng (gạo tinh luyện)
Gạo trắng cũng thuộc các loại ngũ cốc nguyên hạt khác, như gạo đen, đỏ hoặc tím. Đây là loại gạo đã được xay bỏ cả lớp trấu, lớp cám và mầm, thường được đánh bóng lên nhằm làm hạt gạo trở nên trắng sáng hơn.
Chính quá trình xay xát và đánh bóng đã khiến một lượng đáng kể các chất dinh dưỡng có trong gạo trắng bị mất đi, những chất này bao gồm chất béo, muối khoáng, và các vitamin. Vì vậy gạo trắng thường ít dinh dưỡng hơn gạo lứt.
3.3. Gạo Arborio
Gạo Arborio được trồng tại thung lũng Po của Ý, được sử dụng để chế biến ra một món cơm nổi tiếng có tên là Risotto. Trong quá trình chế biến, nó giải phóng ra lượng tinh bột dồi dào có trong hạt gạo, tạo nên một kết cấu mịn. Ngoài Risotto, bạn cũng có thể sử dụng gạo Arborio để làm thành Paella, một món ăn phổ biến của Tây Ban Nha có mùi như nghệ tây.
3.4. Gạo thơm
Gạo thơm bao gồm gạo Basmati, gạo thơm hoa nhài hoặc những loại gạo có mùi thơm mạnh mẽ. Các loại gạo thơm thường có mùi như hạt rang hoặc bỏng ngô, hương thơm vô cùng tự nhiên và hấp dẫn. Chất 2-Acetyl-1-pyrroline có trong hạt gạo là yếu tố quyết định những mùi thơm đặc trưng này.
Hương vị và mùi của gạo thơm thường thay đổi từ năm này sang năm khác, giống như rượu vang.
3.5. Gạo đen
Gạo đen hay còn được gọi là gạo “cấm”. Trở lại nhiều năm trước đây, loại gạo này chỉ được dành riêng cho hoàng đế Trung Quốc, và cấm không cho dân thường sử dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, ngày nay chỉ cần vài cú đúp chuột tại các cửa hàng trên mạng hoặc đi nhanh ra các siêu thị, bạn cũng có thể thưởng thức loại gạo này như hoàng gia.
Gạo đen là một loại gạo hạt ngắn, chuyển sang màu tím khi được nấu chín. Màu sắc của gạo đến từ một chất chống oxy hóa, có tên là anthocyanin, là chất được tìm thấy trong quả mâm xôi đen hoặc quả việt quất.
3.6. Gạo nếp
Giống như tất cả các loại gạo khác, gạo nếp không chứa gluten. Ngay tên gọi của loại gạo này đã thể hiện được kết cấu của nó giống như keo dính. Kết cấu này giúp cho bạn dễ dàng tạo hình chúng giống như những viên cơm.
Gạo nếp còn có tên gọi khác là gạo ngọt và có chứa tinh bột amylopectin. Vị ngọt của loại gạo này đã làm cho nó trở nên phổ biến trong các món tráng miệng.
Gạo nếp thường xuất hiện phổ biến ở khu vực Châu Á, và đa dạng về màu sắc, ví dụ như nâu, đen, tím hoặc trắng.
3.7. Gạo đỏ Himalaya và Bhutan
Nếu bạn đã quá nhàm chán với các loại gạo nâu hoặc trắng, hãy “đổi gió” một chút sang một loại gạo tinh tế khác có tên là gạo đỏ Himalaya. Loại gạo này thường có hạt dài, là sự kết hợp của nhiều thứ hương vị khác nhau, mang lại mùi vị hấp dẫn, riêng biệt. Bạn có thể sử dụng gạo đỏ Himalaya để làm thành các món như cơm chiên hoặc salad.
Một loại gạo khác là gạo đỏ Bhutan, thường có hạt ngắn và kết cấu đẹp. Bạn có thể sử dụng chúng trong món Pilafs hoặc chế biến thành món ăn phụ.
3.8. Gạo hoang Bắc Mỹ (wild rice)
Gạo hoang Bắc Mỹ còn có tên gọi khác là gạo của người da đỏ (Indian Rice), có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Thoạt nhìn, loại gạo hoang dã này không phải là gạo mà là một loại cỏ mọc dọc theo đường thủy.
Wild rice có độ dai ở bên ngoài và mền ở bên trong, cùng với hương vị thuần khiết và hoang sơ, đặc biệt chứa nhiều protein và hàng loạt các chất chống oxy hóa.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com